Home Giấy phép lao động Thủ tục thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài tại Việt Nam

Thu hồi giấy phép lao động là trường hợp đáng tiếc mà không ai muốn gặp phải. Vậy những trường hợp nào khiến người nước ngoài bị thu hồi giấy phép lao động theo nghị định 152/2020/NĐ-CP và nghị định 11/2016/NĐ-CP? Trình tự thủ tục thu hồi giấy phép lao động của 2 nghị định như thế nào? Sau đây xin mời các bạn cùng xem qua bài viết này nhé.

Các trường hợp thu hồi giấy phép lao động

Theo điều 20 nghị định 152/2020/NĐ-CP thì các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động 2021 gồm có:

1. Giấy phép lao động hết hiệu lực:

– Giấy phép lao động hết thời hạn.

– Chấm dứt hợp đồng lao động.

– Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.

– Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

– Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.

– Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

– Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.

2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

3. Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

thủ tục thu hồi giấy phép lao động

Trình tự thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép lao động theo nghị định 152/NĐ-CP

Theo điều 21 nghị định 152/NĐ-CP thì trình tự thủ tục thu hồi giấy phép lao động như sau:

– Đối với trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực này thì trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài đã nộp lại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.

– Đối với trường hợp người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP hay người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi giấy phép lao động theo Mẫu số 13/PLI Phụ lục I nghị định 152/2020/NĐ-CP và thông báo cho người sử dụng lao động đã thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép lao động đã thu hồi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.

Các trường hợp thu hồi giấy phép lao động theo nghị định 11/2016/NĐ-CP

Theo điều 17, nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài tại Việt Nam thì các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động gồm:

1. Giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 8 điều 174 của Bộ luật Lao động, gồm:

– Giấy phép lao động hết thời hạn.

– Chấm dứt hợp đồng lao động.

– Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.

– Hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế hết thời hạn hoặc chấm dứt.

– Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

– Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động.

– Người lao động là công dân nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết, mất tích.

2. Giấy phép lao động bị thu hồi do người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định theo nghị định 11/2016/NĐ-CP

Trình tự thủ tục thu hồi giấy phép lao động theo nghị định 11/2016/NĐ-CP

Trình tự thu hồi giấy phép lao động được nêu rõ trong điều 17, nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016, và thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại cho cơ quan đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do từng trường hợp thu hồi, các trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được;

+ Đối với trường hợp được quy định tại khoản 1, 2, 4, 5, 7, 8 điều 174 của Bộ Luật Lao động thì người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó;

+ Trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật Lao động (nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp) thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động thông báo bằng văn bản cho người sử dụng lao động về việc giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định”.

+ Đối với trường hợp do người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định theo nghị định 11/2016/NĐ-CP thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi và thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép lao động đã thu hồi kèm theo văn bản của người sử dụng lao động nêu tại điểm a khoản này, cơ quan cấp giấy phép lao động có văn bản xác nhận đã nhận giấy phép lao động bị thu hồi của người sử dụng lao động.

Trình tự thủ tục thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định rõ trong nghị định số 11/2016/NĐ-CP và thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH. Nếu bạn cần biết thêm thông tin về việc xin cấp/ cấp lại, xin giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc thu hồi giấy phép lao động thì hãy liên hệ với PNVT của chúng tôi.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.