Để làm việc hợp pháp tại Việt Nam, người lao động nước ngoài phải xin được giấy phép làm việc (hay còn gọi là giấy phép lao động). Tùy từng trường hợp, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh mà doanh nghiệp có thể bảo lãnh xin giấy phép làm việc cho người nước ngoài ở các nơi khác nhau.
Bài viết hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm thông tin để lựa chọn nộp hồ sơ xin giấy phép làm việc ở đâu cho phù hợp.
Cơ sở pháp lý nơi nộp hồ sơ xin giấy phép làm việc
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
- Quyết định 526/QĐ-LĐTBXH ngày 06/05/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
- Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 08 năm 2017 hướng dẫn cấp phép lao động qua mạng
Việc xin giấy phép làm việc phải trải qua nhiều khâu (giai đoạn) khác nhau. Trong đó, việc báo cáo, giải trình, nộp hồ sơ xin giấy phép làm việc (giấy phép lao động, giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, thông báo miễn…..) cần nộp hồ sơ đến các cơ quan khác nhau, tùy trường hợp: Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao trong trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Sở lao động Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố
Căn cứ nghị định 152/2020/NĐ-CP, nơi tiếp nhận báo cáo, giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và nộp hồ sơ xin giấy phép làm việc (giấy phép lao động, giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, thông báo miễn…..) là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố.
Tại 63 tỉnh thành Việt Nam, các doanh nghiệp ở địa phương nào thì nộp hồ sơ giải trình, xin giấy phép lao động tại Sở Lao động Thương binh và xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố của địa phương đó. Thực tế, thì doanh nghiệp thường nộp cho Sở Lao động Thương binh và xã hội cấp tỉnh để được xem xét, giải quyết thủ tục.
Xem danh sách 63 Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh thành phố
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế
Điều 63 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có nêu rõ, Ban quản lý, khu công nghiệp, khu kinh tế có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc:
- Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được; tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động; tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động;
- Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người lao động, cho thuê lại lao động, kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề hàng năm;
- Nhận thông báo về địa điểm, địa bàn, thời gian bắt đầu hoạt động và người quản lý, người giữ chức danh chủ chốt của doanh nghiệp thuê lại lao động, thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
Như vậy, với các doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thì nộp hồ sơ giải trình, xin giấy phép làm việc tại Ban Quản lý.
Vì thủ tục xin giấy phép làm việc khá phức tạp, phải giải trình, dịch thuật công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự, nộp hồ sơ xin giấy phép nên ngoài những cơ quan được kể trên, còn có các cơ quan liên quan khác, tùy từng trường hợp, cụ thể:
- Nơi dịch thuật: văn phòng dịch thuật/ trung tâm dịch thuật. Các bạn có thể liên hệ văn phòng dịch thuật Phú Ngọc Việt tại TPHCM
- Công chứng bản dịch: Bộ phận Tư pháp của Ủy ban nhân dân quận/ huyện thực hiện công chứng
- Hợp pháp hóa lãnh sự: Cơ quan ngoại giao – Sở Ngoại Vụ, Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán tùy hồ sơ của quốc gia
Ngoài ra, các bạn còn có thể nộp hồ sơ qua mạng – cổng thông dịch vụ công của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao….