Hiện nay, người nước ngoài muốn điều khiển phương tiện giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải nắm rõ quy định về giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia (giấy phép lái xe trong nước), cách thức đổi giấy phép lái xe quốc gia sang giấy phép lái xe tương ứng tại Việt Nam. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một cách cụ thể những nội dung trên để người nước ngoài nắm rõ và thực hiện đúng, tránh tình trạng vi phạm và bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1. Giấy phép lái xe quốc tế là gì?
Theo thông tư số 29/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ngày 06/7/2015 quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế như sau:
Khái niệm: Giấy phép lái xe quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit (viết tắt là IDP). Đây là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (gồm cả khu vực hành chính) tham gia công ước Vienna cấp theo một mẫu thống nhất.
Đặc điểm giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp:
> Mẫu giấy phép lái xe quốc tế là một quyển sổ có kích thước khổ A6 (148mm x 105mm), với ký hiệu bảo mật, bìa màu xám và những trang giấy bên trong màu trắng.
> Số giấy phép lái xe quốc tế gồm ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam đối với giao thông quốc tế là Việt Nam và 12 chữ số sau là số giấy phép lái xe quốc gia.
> Giấy phép lái xe quốc tế gồm 9 trang thông tin như sau:
– Trang 1 (trang bìa) ghi thông tin cơ bản của giấy phép lái xe quốc tế được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh;
– Trang 2 quy định về phạm vi sử dụng giấy phép lái xe quốc tế in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh;
– Trang 3 quy định phần khai về người lái xe và phân hạng giấy phép lái xe quốc tế in bằng tiếng Việt;
– Trang 4 để trống;
– Trang 5 quy định phần khai về người lái xe và phân hạng giấy phép lái xe quốc tế in bằng tiếng Anh;
– Trang 6 quy định phần khai về người lái xe và phân hạng giấy phép lái xe quốc tế in bằng tiếng Nga;
– Trang 7 quy định phần khai về người lái xe và phân hạng giấy phép lái xe quốc tế in bằng tiếng Tây Ban Nha;
– Trang 8 quy định phần khai về người lái xe và phân hạng giấy phép lái xe quốc tế in bằng tiếng Pháp;
– Trang 9 quy định hạng xe được điều khiển in bằng tiếng Pháp.
> Giấy phép lái xe quốc tế có thời hạn không quá 03 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia.
Vai trò của giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp:
Theo khoản 2, điều 10 Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT: Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam, song có giá trị sử dụng tại các nước tham gia công ước Vienna năm 1968.
2. Giấy phép lái xe quốc gia là gì?
Khái niệm:
Theo thông tư số 29/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải thì giấy phép lái xe quốc gia là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của các nước cấp, có giá trị trên lãnh thổ nước đó.
Yêu cầu khi tham gia giao thông đường bộ
Người tham gia giao thông phải mang theo các loại giấy tờ sau:
– Đăng ký xe
– Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới
– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới
– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Vai trò giấy phép lái xe quốc gia
Đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì giấy phép lái xe quốc gia có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau.
3. Đổi giấy phép lái xe quốc gia do nước ngoài cấp sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam như thế nào?
Theo quy định tại Điểm g – Khoản 5 – Điều 37 – Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định: Trường hợp người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam, có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.
Nơi cấp, đổi giấy phép lái xe nước ngoài tại Việt Nam: Phòng Quản lý đăng ký giấy phép lái xe – Sở Giao thông Vận tải.
4. Quy định sử dụng giấy phép lái xe quốc tế tại Việt Nam như thế nào?
Người nước ngoài tham gia giao thông sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp thì khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam và phải mang theo:
– Giấy phép lái xe quốc tế
– Giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển;
Nếu các cơ quan chức năng kiểm tra thì người tham gia giao thông phải xuất trình giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Vienna cấp, đồng thời xuất trình giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển kèm theo thì mới có giá trị sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
5. Quy định thời hạn bị tước giấy phép lái xe quốc tế
Theo điều 17, thông tư số 02/2016/TT-BCA của Bộ Công An ngày 04/01/2016 quy định: Người nước ngoài có giấy phép lái xe quốc tế vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe quốc tế với thời hạn bị tước không quá thời gian người lái xe được phép cư trú tại lãnh thổ Việt Nam. (Điều 17 Thông tư số 02/2016/TT-BCA). Xem thêm thủ tục đổi giấy phép lái xe.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn sẽ hiểu rõ những quy định về giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia, từ đó có những kiến thức nền tảng để làm các thủ tục hành chính phù hợp để có thể an tâm sống, làm việc và khiển phương tiện giao thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Tham khảo: Internet