Phiếu lý lịch tư pháp theo khoản 4, điều 2, Luật lý lịch tư pháp, là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu lý lịch tư pháp gồm 2 loại là phiếu lý lịch tư pháp số 1 và phiếu lý lịch tư pháp số 2.
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp theo yêu cầu của công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Hiện nay, số lượng công dân Việt Nam yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để bổ túc hồ sơ đi lao động nước ngoài, hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh ngày càng tăng. Dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức lạm dụng quyền được cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2. Việc này cũng ảnh hưởng đến bí mật cá nhân được pháp luật bảo hộ, đặc biệt là việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, nhất là những người đã được xóa án tích.
Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo đúng mục đích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao yêu cầu cơ quan này trao đổi với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, nhất là những nước đang yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2 để các cơ quan này hiểu về mục đích sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, đặc biệt trong đó có nội dung bỏ quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; nâng cao chất lượng của Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…