Trước những lo ngại về nạn nhập cư trá hình từ Trung Quốc, Mỹ đã quyết định tạm ngừng cấp một số loại visa, trong đó có EB-5 dành cho các nhà đầu tư nước này trong năm 2016.
Giải thích nguyên do đưa ra quyết định trên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng do số lượng visa cấp cho công dân Trung Quốc đã đạt giới hạn hàng năm. Đáng chú ý nhất trong những visa bị ngừng cấp có EB-5, dành cho các nhà đầu tư nhập cư đến từ Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo ngừng cấp visa đầu tư cho công dân Trung Quốc.
Visa đầu tư EB5 thuộc chương trình cấp thị thực cho người nước ngoài được nhận thẻ xanh vào Mỹ cư trú khi cá nhân này đầu tư ít nhất 500 nghìn USD và tạo ra 10 việc làm mới tại Mỹ. Hạn ngạch phân bổ của chương trình là 10 nghìn thị thực/năm.
|
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng: Đó không phải là nguyên nhân chủ yếu. Việc Mỹ đặt ra hạn định về lượng visa EB-5 là do lo ngại nhà giàu Trung Quốc sẽ lợi dụng chính sách này để tìm đường sang Mỹ định cư nhằm thoát khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng ở nước này hay tìm cơ hội cho con cái tiếp cận hệ thống giáo dục tốt hơn cũng như tránh được các biến động kinh tế, chính trị đang có nguy cơ bùng phát ở quốc gia này. Đó là chưa kể đến không ít nhà giàu Trung Quốc chạy sang Mỹ để trốn chạy chính sách “đả hổ diệt ruồi” mà Bắc Kinh đang tiến hành, chứ thật ra họ không phải là các nhà đầu tư thật sự.
Thực tế cũng cho thấy lượng visa cấp Mỹ cho công dân Trung Quốc theo chương trình nhà đầu tư không ngừng trong một thấp kỷ qua. Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, số lượng visa EB-5 cấp cho nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng từ vài chục thị thực lên 8.156 thị thực (năm 2015). Ron Klasko – Giám đốc hãng luật nhập cư Klasko Immigration Law Partners – còn cho rằng: “Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gia tới”.
Việc công dân Trung Quốc xin cấp visa EB-5 tăng vọt trong những năm qua là do các công ty Trung Quốc ồ ạt đưa người sang Mỹ để làm cho các doanh nghiệp mà nước này mua lại. Cụ thể: trong năm 2015, Mỹ đã cấp hơn 10.200 visa loại L cho lao động Trung Quốc và gia đình họ, gấp 4 lần năm 2005. Tuy nhiên, không phải tất cả công dân Trung Quốc được cấp loại visa này đều là nhà đầu tư hay lao động chuyên môn mà có cả người thân của họ.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nạn lao động nhập cư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì đưa những lãnh đạo và nhân viên cốt cán sang làm việc, các công ty Trung Quốc thường đưa lao động phổ thông trái phép sang Việt Nam, gây nên nhiều hệ lụy cho thị trường lao động nước nhà. Gần đây nhất là vấn nạn hướng dẫn viên du lịch “chui” ở Đà Nẵng và Khánh Hòa, gây nên nhiều bức xúc cho dư luận xã hội.